Chương trình Thanh niên hành động 2011: “Uống nước nhớ nguồn – Miền Trung yêu thương”
Nhân kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; nhân kỷ niệm 100 năm, ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nhân kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng đất nước, nhân dịp năm 2011 được Đảng và Nhà nước chọn là “Năm Thanh niên”, được sự đồng ý của Đảng ủy và Ban Lãnh đạo Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ Thiết bị và Kiểm định Xây dựng – CONINCO, Ban chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên CONINCO đã phối hợp tổ chức chương trình Hành hương về Cội nguồn với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn – Miền Trung yêu thương” dành cho các Đảng viên và các Đoàn viên Thanh niên ưu tú của Công ty.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, vừa qua, rạng sáng ngày 18/5/2011, gần 80 đại biểu là Đảng viên, Đoàn viên Thanh niên ưu tú của CONINCO, từ khắp mọi miền trên tổ quốc, từ các đơn vị trực thuộc, từ các công ty nhượng quyền thương hiệu, thậm chí cả từ nước ngoài, đã chính thức khởi hành chuyến đi. Vượt gần 600km, trên con đường Hồ Chí Minh (tức đường Trường Sơn năm xưa), đoàn đã đến với Quảng Bình, quê hương của Mẹ Suốt, của sông Nhật Lệ êm đềm và thơ mộng. Tại đây, do trời đã về chiều, đoàn được bố trí ăn nghỉ tại Quảng Bình, lấy lại sức khỏe để chuẩn bị những chương trình vô cùng nghiêm trang và xúc động tiếp theo.
Sáng hôm sau, ngày 19/5/2011, ngày sinh nhật lần thứ 121 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đoàn khởi hành tới Nghĩa trang Trường Sơn, nơi an nghỉ ngàn năm của hơn 10.000 anh hùng liệt sỹ cả nước, những người đã ngã xuống trong suốt những năm trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trong những năm chiến tranh thống nhất đất nước. Đoàn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Nghĩa trang, được nghe các anh hướng dẫn và giới thiệu về các phân khu trong Nghĩa trang, được các anh hướng dẫn và phối hợp tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hung liệt sỹ tại Nghĩa trang.
Nghĩa trang Trường Sơn, với trung tâm là Đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút, nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m, uy nghiêm, trang trọng; rỗng ruột và khuyết ba mặt để thể hiện nỗi mất mát vô cùng. Các lối đi được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng, cây cối xanh ngát, hoa nở bốn mùa. Nơi đây, có hơn 10.000 liệt sỹ được quy tập từ cuối năm 1974, là nghĩa trang liệt sỹ có quy mô nhất Việt Nam, có bố cục và kiến trúc độc đáo, không giống với hầu hết các nghĩa trang liệt sỹ khác tại Việt Nam. Tại đây, đoàn đã đặt vòng hoa kính viếng và thắp hương tưởng niệm các hương hồn liệt sỹ.
Sau lễ dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Trường Sơn, đoàn tiếp tục đến dâng hương tưởng niệm các anh hung liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9. Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 nằm bên cạnh đường quốc lộ 9, trên một vùng đồi rộng lớn, mặt quay ra hướng quốc lộ 9; được nâng cấp từ nghĩa trang liệt sỹ thị xã Đông Hà (có từ năm 1983 – 1984). (Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Đông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ – ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt và cũng chính nó là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và ngụy trong những năm 1965 – 1972). Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ với đầy đủ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ đội chủ lực phần lớn là các sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320…
Tại đây, đoàn đã được Ban Quản trang tiếp đón trọng thể và đã tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm các anh hung liệt sỹ. Cũng như tại Nghĩa trang Trường Sơn, ông Nguyễn Huy Quang, Đảng ủy viên Công ty, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng đoàn Đại biểu CONINCO đã phát biểu cảm tưởng, đồng thời gửi tặng Ban Quản trang một chút tấm lòng của thanh niên CONINCO nhờ ban quản trang ngày đêm hương khói, chăm sóc cho hương hồn các liệt sỹ đã hi sinh trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Trưa hôm ấy, đoàn về tới Quảng Trị, ăn trưa, nhận phòng nghỉ và đúng 14h chiều cùng ngày, đoàn khởi hành đến thăm Thành cổ Quảng Trị.
Thành cổ Quảng Trị, năm 1827, đã được vua Minh Mạng cho xây bằng gạch, có dạng hình vuông, chu vi tường thành là gần 2.000 m, cao 9,4 m, dưới chân dày 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Trong những năm 1809-1845, nhà Nguyễn lấy làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Từ năm 1929, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta đã cho xây dựng thêm nhà lao và biến nơi đây thành nơi giam cầm các những người có quan điểm chính trị đối lập. Năm 1972, trong chiến dịch Thành cổ “mùa hè đỏ lửa” (hay là chiến dịch Lam Sơn 72 – theo cách gọi của Quân đội Mỹ), tòa thành đã gần như bị san phẳng. Đây chính là nơi diễn ra trận đánh 81 ngày đêm, với gần một vạn chiến sỹ bộ đội cụ Hồ, bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên cường, anh dũng, bất khuất chống lại với xe tăng, thiết giáp, máy bay, tên lửa của quân đội Mỹ. Đây là trận đánh hao tổn lớn về sức người, sức của cho cả hai bên, là một trong những trận chiến ác liệt nhất trong Chiến dịch Xuân hè 1972, là một phần không thể nào quên trong Chiến tranh Việt Nam.
Tại nơi đây, đoàn đã được Ban Quản lý khu di tích Thành cổ Quảng Trị kể lại câu chuyện chiến đấu anh hùng của hang ngàn, hang vạn chiến sỹ giải phóng. Các anh đã chiến đấu vô cùng anh dũng để giành giật từng tấc đất, từng gốc cây là máu, là da của tổ quốc. Các anh đã chiến đấu không quản xương máu, tính mạng chỉ vì tương lai của dân tộc Việt Nam, vì tương lai của Quảng Trị, vì một màu xanh, một màu xanh bất diệt trên đất nước Việt Nam thương yêu. Đoàn đã được nghe, được tưởng tượng và vô cùng xúc động với những tấm gương hi sinh anh dũng của các anh. Đoàn đã xúc động đặt vòng hoa tưởng niệm hương hồn các liệt sỹ hi sinh trong trận đánh Thành cổ Quảng trị và cũng đóng góp một chút công sức nhỏ nhoi những mong Ban Quản lý khu di tích Thành cổ Quảng Trị sẽ ngày đêm giúp đỡ hương hỏa cho phần mộ của các anh.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đã làm lễ thả hoa trên dòng song Thạch Hãn, là nơi mà các chiến sỹ bộ đội cụ Hồ, đã không quản mưa to, gió lớn, vượt con sóng dữ để tăng cường chiến đấu cho Thành cổ. Cũng vì thế mà chính tại nơi đây, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, không ít người trong các anh đã bỏ mình giữa dòng nước, hi sinh khi trước khi đến được Thành Cổ Quảng Trị. Vì lẽ đó, như lời của Lê Bá Dương, một cựu chiến binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người từng tham gia trận đánh này đã viết:
“Đò lên Thạch Hạn ơi…. chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
Trong không khí trang nghiêm ấy, tôi (một trong số rất nhiều Đoàn viên Thanh niên ưu tú của Công ty Cổ phần CONINCO Tư vấn và Đầu tư) tham gia trong đoàn, đã được đoàn giao trọng trách, vượt sang bờ bên kia của dòng Thạch Hãn, rồi ngược lại bên này để ghi lại những tấm hình, những tấm hình thể hiện tấm lòng tri ân của chúng tôi, những người Đoàn viên thanh niên ưu tú của CONINCO nói riêng, và của Thanh niên thế hệ Bác Hồ nói chung với các anh, những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam đã hi sinh vì độc lập, tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau như chúng tôi.
Ngày 20/5/2011, đoàn chúng tôi tiếp tục được tới thăm Địa đạo Vĩnh Mốc (thuộc thôn Vĩnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Đây là một công trình Quân sự – Dân sự do nhân dân Vĩnh Linh, dưới sự chỉ đạo của khu ủy Vĩnh Linh.
Thực tế là, trong những năm 1965 – 1972, Mỹ đã tìm cớ gây sự với chính quyền mới của nước ta nên đã tạo nên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, sau đó leo thang phá hoại ra miền Bắc bằng hỏa lực không quân, trong đó, Vĩnh Linh là mục tiêu đánh phá hàng đầu. Trong những năm đó, Vĩnh Linh liên tục bị đánh phá, với tổng cộng trên nửa triệu tấn bom đạn đã dội xuống vùng đất này.
Nhưng, với phương châm “Một tấc không đi, một li không bỏ. Mỗi làng, mỗi xã là một pháo đài”, quân và dân Vĩnh Linh, được sự chỉ đạo của Khu ủy Vĩnh Linh, đã tiến hành đào địa đạo. Theo một số thông tin mà đoàn chúng tôi có được khi thăm quan nhà trưng bày tại địa đạo thì Tổng chiều dài trục chính của địa đạo là khoảng 2000m, chia làm 3 tầng, tầng sâu nhất là 23m tính từ mặt đất. Với hơn 18.000 ngày công được huy động để đào địa đạo, sau gần 1 năm, địa đạo đã hoàn thành, là nơi trú ẩn cho hàng trăm con người, vừa ăn ở, vừa sinh hoạt và vừa chiến đấu.
Đoàn thăm quan của chúng tôi, những người trẻ tuổi chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến công trình ấy, được tưởng tượng về sức mạnh lớn lao của đồng bào Vĩnh Linh trong thời gian ấy, được hiểu thêm về sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh mà đồng bào tôi phải gánh chịu trong thời gian ấy. Nhưng, hơn thế nữa, chúng tôi còn hiểu được thêm rằng tại sao, chiến thuật Chiến tranh Du kích của Việt Nam đã được giới quân sự quốc tế cảm phục mà tôn vinh là Nghệ thuật Chiến tranh Du Kích của Việt Nam.
Rời địa đạo Vĩnh Mốc, chào Quảng Trị anh hùng, đoàn chúng tôi xuôi xe về Hà Tĩnh, về với Ngã ba Đồng Lộc, về với 10 chị nữ Thanh niên Xung phong ngày ấy mà giờ đã đi vào lịch sử, là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của chủ nghĩa Anh hùng yêu nước của Việt Nam.
Khi chúng tôi bước chân xuống xe, đoàn chúng tôi gặp một đoàn rất đông các bác cựu chiến binh năm xưa. Có bác trai giờ râu đã bạc trắng, có bác gái trông trạc tuổi mẹ tôi, bà tôi. Chắc các bác về đây thăm đồng đội, thăm các chị, các anh….
Chúng tôi được tiếp đón vào Phòng Truyền thống của Ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và sau đó được xem bộ phim tư liệu về Ngã ba Đồng Lộc trong những năm tháng mưa bom bão đạn. Chúng tôi cũng được nghe câu chuyện vô cùng cảm động về Ngã ba Đồng Lộc, về những người lính chiến đấu tại đây và về 10 nữ Thanh niên xung phong anh hùng. Chỉ nghe kể lại thôi nhưng chúng tôi vẫn không thể kìm được cảm xúc. Những giọt nước mắt chúng tôi trào ra, trào ra mãi với một nỗi niềm xót xa khó tả. Chúng tôi được nghe kể lại về khoảnh khắc trái bom Mỹ rơi tại cửa hầm của các chị, được nghe khi tìm được các chị 9 người mà vẫn còn chưa thấy chị Cúc đâu, được nghe bài thơ “Cúc ơi” mà bác Yến Thanh, khi ấy là một người bạn chiến đấu của các chị, trong cái giây phúc đau xót đến cùng cực đã ngân lên.
“Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ – Xuân – Hà – Hường – Hợi – Rạng – Xuân – Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)….”
Cố nén nỗi xúc động đang tràn ngập trong mỗi chúng tôi, đoàn đã tổ chức dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ những người đã ngã xuống trong chiến tranh. Đoàn chúng tôi sau đó đã dâng hương tưởng niệm tại nơi an nghỉ của các chị.
Chúng tôi cầu mong các chị yên nghỉ trong an lành.
Chúng tôi, rời miền Trung mà tâm trạng bồi hồi, mỗi người một suy tư, mỗi người một tâm tưởng. Nhưng có lẽ một điều, một điều chung nhất mà chúng tôi tin tưởng rằng NON SÔNG VIỆT NAM SẼ MÃI MÃI TRƯỜNG TỒN, TỔ QUỐC VIỆT NAM SẼ MÃI MÃI MÀU XANH như hầu hết tất cả các anh, các chị đã chỉ vì điều đó mà hi sinh cho tổ quốc.